'Hồ sát nhân' khiến gần 2.000 người chết chỉ sau một đêm, khi hồ cạn nước bí ẩn mới hé lộ

Đêm 21/8/1986, hồ Nyos - một hồ nước sâu ở khu vực núi lửa ngưng hoạt động tại Cánh đồng núi lửa Oku, phía tây bắc đất nước Cameroon, bất ngờ phun trào, tốc độ bắn của các cột nước lên tới 100km/h. Trong đêm đó, hồ nước này không thải ra dung nham, không tro bụi, không bùn nóng, mà thay vào đó là một đám mây khí carbon dioxide (CO2) khổng lồ, lặng lẽ len lỏi rồi giết chết hàng nghìn sinh vật sống quanh đó.

Khí carbon dioxide di chuyển với tốc độ khoảng 70 km/h, bao phủ bán kính hơn 23 km xung quanh. Ở những ngôi làng gần đó, 1.746 người đã thiệt mạng do ngộ độc khí, hầu hết khi họ đang ngủ. Ngoài ra, hơn 3.500 gia súc và những sinh vật sống khác quanh đó cũng ngạt thở mà chết. Tại thị trấn Nyos, chỉ có 4 người sống sót.

Chỉ có rất rất ít người may mắn sống sót sau thảm họa kinh hoàng và bất ngờ này. Một số người phải đến tận 2 ngày sau mới tỉnh dậy và khi ấy, họ bàng hoàng khi thấy tất cả những người xung quanh mình đều đã chết, thậm chí đến những con vật cũng không còn sống. Loạng choạng bước ra khỏi nhà, họ tưởng rằng Trái đất vừa trải qua ngày tận thế.

Ban đầu, không ai biết rõ nguyên nhân của thảm họa này là gì. Ngoài các thi thể, mọi thứ đều bình thường. Mặt trời vẫn tỏa nắng, cây cối vẫn xanh tươi, các tòa nhà không bị đánh sập. Một số người cho rằng đây có thể là một dịch bệnh nguy hiểm, những người may mắn còn sống là do có miễn dịch. Tuy nhiên, điều này là vô lý bởi những người ở nơi khác đi vào thị trấn vẫn bình thường. Sau đó, các nhà khoa học mới tìm ra nguyên nhân là do ngộ độc carbon dioxide.

Được biết, Cameroon là một quốc gia có nhiều núi lửa. Hồ Nyos là một trong những hồ núi lửa có độ cao 1.091 m, độ sâu trung bình 200 m. Bề mặt hồ rất phẳng lặng, nhưng ở độ sâu 500 m dưới đáy hồ lại hòa tan hàng tỷ tấn carbon dioxide. Nồng độ carbon dioxide vẫn đang tăng lên và có nguy cơ gây nổ bất cứ lúc nào.

Độ hòa tan của chất khí trong nước có thể tăng lên bằng cách tăng áp suất hoặc giảm nhiệt độ. Như vậy, áp suất cao và nhiệt độ thấp chính xác là những gì người ta tìm thấy dưới đáy hồ Nyos. Ở độ sâu khoảng 200 m, áp suất lớn hơn 20 lần so với ở bề mặt, độ hòa tan của carbon dioxide cũng gấp 20 lần. Vì nước có thể chứa một lít carbon dioxide trên mỗi lít chất lỏng ở áp suất khí quyển, nên ở đáy hồ Nyos, một lít nước có thể chứa 20 lít carbon dioxide. Vì hầu như không có ánh sáng xuyên đến đáy hồ nên nó cũng rất lạnh, càng làm tăng khả năng hòa tan carbon dioxide.

Kết hợp với hoạt động của núi lửa vẫn tồn tại sâu bên dưới đáy hồ Nyos, nó đã dẫn đến sự phun trào khí carbon dioxide, giống như khi chúng ta mở nắp chai soda. Nước phun lên không khí đã giải phóng khi carbon dioxide hòa tan dưới dạng bong bóng. Với một lượng quá lớn, nó đủ để giết chết hàng ngàn sinh vật sống. Điều đáng ngạc nhiên là mọi thứ diễn ra rất âm thầm, một số người còn sống nói rằng họ chỉ nghe thấy tiếng ầm ầm, giống như một vụ nổ hoặc lở đá ở rất xa.

Những người may mắn còn sống được cho là do họ ở vị trí cao hơn, được gió đẩy luồng không khí để "đuổi" carbon dioxide đi và cung cấp đủ oxy để họ sống sót.

Giờ đây, hồ Nyos xinh đẹp và yên bình, từng là một địa điểm du lịch thu hút, đã trở thành một nơi hoang vắng. Nó còn được đặt tên là "hồ sát nhân quyến rũ", bởi khung cảnh núi non xung quanh đẹp như thiên đường nhưng lại ẩn chứa mối nguy hiểm chết người.

Hồ Nyos hiện đang được nghiên cứu tích cực và một chiến lược khử khí đã được thực hiện nhằm ngăn chặn thảm họa lặp lại. Các nhà khoa học đã thả một ống có đường kính 13 cm xuống độ sâu 182 m, ngay trên đáy hồ. Sau đó, khi nước ở đáy hồ được bơm lên đỉnh ống, CO2 thoát ra trên đầu ống, bắn nước và khí lên cao tới 45 m. Hiệu ứng ống khói sẽ kích hoạt phản ứng liên tục cho đến khi CO2 bốc hết. Ống đầu tiên được lắp đặt và thử nghiệm năm 1995 và sau khi thấy hoạt động an toàn, các nhà khoa học đã lắp một ống cố định năm 2001. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2006, lượng CO2 trong hồ Nyos đã giảm 13%. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng mức giảm này là quá ít. Hồ vẫn chứa một lượng CO2 nhiều hơn lượng đã bốc lên trong thảm họa năm 1986.

Theo Khánh Hằng (Phụ nữ & Pháp luật)

Tags: Thế Giới

Đăng nhận xét

Tin liên quan